Hàng loạt các hiệp định thương mại Việt Nam đã và sắp ký kết đều cắt giảm dần về 0% đối với thuế nhập khẩu ô tô. Sớm nhất, từ 2016, hầu hết ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có thuế suất 0%. Thuế ô tô đồng loạt về 0%.

Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Theo đó, hai bên sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế nhập khẩu theo một lộ trình xác định. Trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm. Riêng ô tô có động cơ xăng trên 3.0 L và động cơ Diesel trên 2.5 L sẽ về mức 0% sau 9 năm. Chẳng hạn, với chiếc xe Toyota Fortuner, giá xe sẽ giảm hơn rất nhiều. 

Khi xây dựng dự thuế luật thuế mới, Bộ Tài chính đã đề xuất các mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe có dung tích xi-lanh động cơ từ 2.000 cm3 trở xuống. Đáng chú ý, đây chính là các loại xe đang chiếm phần lớn thị trường ô tô Việt Nam và cũng là chủ lực của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.

Có lẽ khi đó, việc Bộ Tài chính đề xuất các mức thuế suất giảm dần theo dung tích xi-lanh là để hỗ trợ tích cực cho ngành công nghiệp ô tô, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô theo chiến lược và quy hoạch giai đoạn mới đã được Chính phủ ban hành hồi cuối năm 2014.

Khi thuế nhập khẩu kết hợp với thuế tiêu thụ đặc biệt giảm, cơ hội giảm giá của các loại xe cỡ trung đến cỡ nhỏ có dung tích xi-lanh từ 2.000 cm3 trở xuống là rất sáng. Ví như với các dòng xe Toyota tại thị trường Việt Nam, Toyota Corolla Altis, Toyota Vios, Toyota Camry 2.0, Toyota Yaris, Toyota Innova … chắc chắn sẽ có cơ hội  giảm giá. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa kịp vui mừng về giá xe thì đã phải lo lắng bởi những điều chỉnh về chính sách thuế.

Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, ngay khi chưa chính thức trình lên Quốc hội xem xét, Bộ Tài chính cũng đã điều chỉnh các mức thuế suất trong dự thảo. Ban đầu, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất từ 5% đến 20% từ thời điểm 1/7/2016 và từ 15% đế 25% từ thời điểm 1/1/2018 đối với xe có dung tích xi-lanh từ 2.000 cm3 trở xuống.

Nhưng sau khi nhận được các ý kiến đóng góp từ nhiều cơ quan, Bộ Tài chính đã tiến hành điều chỉnh đáng kể các mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe này.

Cụ thể, ô tô có dung tích xi-lanh từ 1.000 cm3 trở xuống sẽ được giảm mức thuế suất từ 45% hiện hành xuống còn 40% từ ngày 1/7/2016 và giảm tiếp xuống còn 30% từ ngày 1/1/2018; loại có dung tích xi-lanh từ trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 giảm từ mức 45% hiện hành xuống còn 40% từ ngày 1/7/2016 và giảm tiếp về 25% từ ngày 1/1/2018; loại có dung tích xi-lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 sẽ giảm mức thuế suất từ 45% hiện hành xuống còn 40% từ 1/7/2018 và giảm tiếp còn 30% từ ngày 1/1/2018.

Tuy nhiên, người tiêu dùng đang mừng về giấc mơ giảm giá của xe thì lại “choàng tỉnh” bởi một động tác điều chỉnh chính sách mới đây.

Cụ thể, ngày 28/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.

Theo đó, với mặt hàng ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi, giá làm căn cứ tính thuế là giá bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn) nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Nếu thấp hơn mức này, giá tính thuế sẽ do cơ quan thuế ấn định. "Giá vốn" được giải thích là giá tính thuế nhập khẩu kèm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo quy định cũ, giá tính thuế chỉ là giá CIF nhập tại cảng kèm thuế nhập khẩu. Như vậy, giá thuế tiêu thụ đặc biệt phải cộng thêm một phần lợi nhuận, chi phí, cước vận chuyển từ nhà nhập khẩu tới tay đại lý phân phối cho người tiêu dùng. Theo lý giải của Bộ Tài chính - cơ quan đưa ra đề xuất thay đổi - cách tính thuế này đảm bảo sự công bằng và thống nhất giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, việc này còn mục đích chống khai gian lận thuế của các nhà nhập khẩu, sản xuất ôtô nhỏ lẻ và tránh tình trạng thất thu thuế.

Không chỉ thay đổi giá tính thuế, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội sửa đổi một số Luật về thuế trong đó có việc giảm gấp đôi thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ôtô nhập khẩu dòng xe phân khối nhỏ, phổ thông. Theo tính toán của Bộ Tài chính, đến năm 2019, những dòng xe được giảm mạnh nhất khoản thuế này có thể giảm giá tới 42%. Ngược lại, các dòng xe phân khối lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu, giá chưa phù hợp với thu nhập người dân, sẽ phải chịu thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao.

Ngoài thay đổi về cách giá tính thuế, Nghị định sửa đổi này cũng quy định việc khấu trừ tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được thực hiện khi kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất sẽ được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp tương ứng với số hàng thực tế khi tái xuất khẩu. Hàng nhập khẩu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng tái xuất khẩu ra nước ngoài được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài.

Đại diện các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng nhận định, với việc điều chỉnh cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, cho dù thuế nhập khẩu giảm thêm và thuế tiệu thụ đặc biệt một số loại xe cũng giảm nhẹ thì giá bán lẻ của nhiều loại ôtô vẫn sẽ tăng thêm 15-30%.

Đó là chưa kể, đối với xe có dung tích lớn từ 3.000 cm3 trở lên, nếu Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới, giá bán lẻ của một số loại xe thậm chí còn tăng chóng mặt hơn.

Tuy nhiên, giá xe khi đó còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thuế, phí khác, nếu Nhà nước điều chỉnh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn, theo hướng giảm đối với các dòng xe ưu tiên phát triển và áp mức “đặc biệt cao” đối với xe có dung tích trên 3.0L.

Không chỉ có vậy, đề xuất từ một số cơ quan chức năng còn muốn nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi lanh trên 2.0L lên cao hơn mức 50% hiện nay. Nếu vậy, các mẫu xe sang nhập khẩu có dung tích xi lanh trên 2.0L sẽ khó có cơ hội giảm giá mạnh.

Mặc dù vậy, có điều chắc chắn nhiều người đã hình dung ra, khi đó xe nhập khẩu sẽ áp đảo xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Năm 2014, xe nhập khẩu tăng trưởng 83%, trong khi xe lắp ráp trong nước chỉ tăng 32% so với 2013. Còn tính từ đầu năm tới hết 7/2015, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu đạt 32.090 chiếc, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xe lắp ráp trong nước đạt mức tăng 56%. Bình quân mỗi ngày Việt Nam phải chi trên 10 triệu USD để nhập khẩu xe.  

Liệu năm 2016, có cơ hội nào cho giá xe ô tô giảm giá? Và có nên chờ đợi đến năm 2016 mới mua xe ô tô?